Một số lễ hội pháo dân gian Việt Nam Pháo_(lễ_hội)

Hội pháo Bình Đà

Hội pháo Bình Đà tổ chức tại làng Bình Đà, Thanh Oai, Hà Tây thường sử dụng những tháp pháo nhiều tầng với hàng trăm loại pháo khác nhau, bao gồm cả các loại pháo sáng, pháo hoa, pháo đơn (pháo cối), pháo bánh... Tất cả các loại pháo đều được làm tại Bình Đà.

Hội pháo Đồng Kỵ

Hội pháo Đồng Kỵ[3] tổ chức tại làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh vào ngày 4 tháng 1 âm lịch. Chủ yếu dùng pháo có kích thước khổng lồ (pháo đại). Tục thi pháo Đồng Kỵ có nguồn gốc từ văn minh lúa nước theo tín ngưỡng "tứ pháp" cầu cho mưa gió thuận hoà: khói pháo như mây tụ (Pháp Vân), tiếng pháo như sấm dậy (Pháp Lôi), chớp sáng khi nổ như ánh sét (Pháp Điện), hoa pháo li ti như những hạt mưa mang mầm sống tưới nhuần mặt đất (Pháp Vũ). Trước đây khi chưa cấm đốt pháo, cuộc thi pháo tại làng Đồng Kỵ tổ chức hoành tráng theo các tiêu chí: quả pháo của dòng họ nào lớn nhất, trang trí thân pháo, đầu pháo đẹp nhất, nổ vang nhất và quan trọng nhất là quầng hoa pháo nở bung trên nền trời nhiều màu nhất, rực rỡ nhất, thì giờ đây phần rước pháo được coi là điểm nhấn quan trọng nhất.

Hội pháo đất Ninh Giang

Pháo đất Ninh Giang là một lễ hội pháo khá đặc biệt, người thi pháo sử dụng đất sét gan gà nặn thành hình quả pháo đất (kiểu lá riềng, giống khoang thuyền có riềm) và thả rơi tạo tiếng nổ. Hội thi pháo đất Ninh Giang tổ chức tại xã Hồng Phong (Ninh Thọ), huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vào mùa xuân. Những người chơi sẽ tham gia thi đấu theo từng loại pháo, tùy vào trọng lượng của đất, cái nhỏ nhất bao giờ cũng nặng 10 kg và lớn nhất là 50 kg với hình thù đặc trưng. Tuy được nặn cầu kỳ, nghệ thuật gieo pháo lại có tính quyết định để đạt yêu cầu là tiếng nổ vang, riềm pháo không bị đứt gãy. Hội pháo của Ninh Giang trước đây thường kéo dài suốt 3 tháng liền với phần thưởng là trâu, bò, gạo cuốn hút cả già, trẻ, gái, trai trong hàng tổng, hàng huyện, tuy nhiên, đến bây giờ thì nghi lễ đã được rút ngắn lại, chỉ tổ chức vào các ngày chủ nhật sau Tết.